Thống kê cho thấy chỉ 3% giáo viên tiếng Anh THPT đạt chuẩn - Ở cấp THCS, chỉ 7% giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn theo yêu cầu đề án ngoại ngữ quốc gia.
electrolux etb2102pe-rvn
electrolux etb2102pe-rvn
Tại hội thảo về thực trạng dạy tiếng Anh của các tỉnh phía Nam tổ chức đầu tuần, TS Trần Thị Minh Phượng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết, qua kỳ kiểm tra trình độ giáo viên tiếng Anh của 30 tỉnh/thành do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, chỉ 3% giáo viên THPT và 7% giáo viên THCS đạt chuẩn theo yêu cầu đề án ngoại ngữ quốc gia.
Đây được xem là một trong những lý do quan trọng khiến việc chất lượng dạy và học tiếng Anh hiện chưa hiệu quả. Bà Phượng cho rằng nhiều giáo ngoại ngữ thiếu tự tin và không chủ động trong việc soạn đề kiểm tra, đánh giá học sinh. "Phần lớn đề kiểm tra được giáo viên cóp nhặt từ các đề quốc tế, vốn là đề tổng quát chứ chưa phải kiểm tra quá trình dạy và học", bà Phượng nêu vấn đề.
Về phía học sinh, TS Phượng cho rằng các em đang phải học quá nhiều môn nên không có thời gian đầu tư cho tiếng Anh. Chương trình sách tiếng Anh hiện nay nặng cả nội dung lẫn hình thức, thiếu cập nhật thời sự và chưa gắn với đặc điểm về văn hóa, địa lý của Việt Nam, thiếu phong phú về hình ảnh và màu sắc…
Từ thực trạng này có đến 98,6% học sinh cho rằng không thể đạt được bốn kỹ năng nghe - nói - đọc - viết theo chuẩn đầu ra.
Không nhiều giáo viên đạt chuẩn qua kỳ kiểm tra trình độ tiếng Anh của Bộ.
|
Trong khi đó, theo khảo sát của nhóm giảng viên Đại học Sư phạm TP HCM trên 143 học sinh THPT và 10 giáo viên thì chỉ có 14,7% học sinh cho rằng giáo viên sử dụng 100% tiếng Anh trong tiết dạy; 70% cho biết thầy cô sử dụng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Đặc biệt, trên 15% học sinh cho rằng thầy cô sử dụng quá nhiều tiếng Việt khi dạy tiếng Anh và rất ít sử dụng tài liệu từ nước ngoài, phương tiện nghe nhìn để dạy.
Thạc sĩ Trương Thuận Cần (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long) cũng cho biết chất lượng đầu vào của học sinh tỉnh Vĩnh Long theo học chương trình Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 rất thấp. Có đến 25% em tiểu học và 50% em THCS tham gia khảo sát đầu năm học 2014-2015 không đạt yêu cầu.
Ông Cần cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thiếu điều kiện về phòng ốc, giáo viên, nên có trường chỉ dạy 2-3 tiết/tuần, học sinh không có thời gian để thực hành luyện nghe, nói. Trong khi đó ở Thái Lan, học sinh được học 18 tiết/tuần, cơ hội thực hành nhiều hơn.
Đặc biệt theo thạc sĩ Nguyễn Đình Thanh Lâm, Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng), các tỉnh vùng xa giáo viên không có điều kiện và môi trường để nâng cao kỹ năng nghe, nói tiếng Anh do vậy để đạt được chuẩn là rất khó.
Thạc sĩ Lâm cũng bày tỏ các kỳ kiểm tra, thi cử hiện nay vẫn tập trung chủ yếu là đọc - viết nên cả giáo viên lẫn học sinh cứ loay hoay với ngữ pháp và tự vựng. "Nếu xem giao tiếp là trọng tâm của ngoại ngữ thì Bộ Giáo dục nên đổi mới hệ thống kiểm tra đánh giá hiện nay; hoặc giao cho các trường đại học và các trung tâm lớn chịu trách nhiệm về tổ chức kiểm tra, đánh giá kỹ năng và cấp chứng chỉ cho học sinh", ông Lâm nói.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng Bộ phải sớm thay đổi cách kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh theo 4 kỹ năng, tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh chuẩn, phát triển các câu lạc bộ, sân chơi trải nghiệm bằng tiếng Anh... Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, cần có chính sách tuyển dụng, ưu đãi phù hợp để thu hút giáo viên giỏi tiếng Anh vào nghề sư phạm.
Nguyễn Loan
Post a Comment